Chương 5: ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN VÀ CUỘC CHIẾN ĐẤU LIÊN LỶ

Ngang qua vũ trụ có một qui luật bất biến, nếu không chiến đấu người ta chẳng bao giờ được đội triều thiên vinh hiển. Những người nhút nhát không dám vật lộn với cuộc đời thì không có hào quang. Tảng băng trôi lềnh bềnh trong nước lạnh ở bắc cực không lôi kéo chú ý của ai cả. Nhưng nếu nó trôi giạt trong dòng nước ấm mà vẫn không tan chảy thì làm cho mọi người kinh ngạc và thán phục. Nếu lại còn làm như vậy vì chủ ý thì người ta coi nó có một cá tính.

Đường lối duy nhất để minh chứng tình yêu là hành động chọn lựa, lời nói xuông chẳng đủ. Do đó, cái thử thách nguyên thủy của Ađam, cũng áp dụng cho mọi người. Ngay cả thiên thần cũng phải chịu thử thách. Đá lạnh chẳng xứng đáng ca ngợi vì lạnh, lửa nóng cũng vậy, đâu có ai khen nó vì nóng? Nhưng chỉ những ai đủ can đảm làm việc lựa chọn mới xứng đáng được ca ngợi vì hành động của mình, chỉ qua những cám dỗ và thử thách của nó mà chiều sâu tính nết được biểu lộ. Kinh Thánh nói: "Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người" (Gc 1,12). Người ta chỉ thấy sức kháng cự của linh hồn mạnh nhất khi bị qủi dữ tấn công cao độ. Sự có mặt của cám dỗ không nhất thiết ám chỉ kẻ bị cám dỗ chẳng hoàn thiện. Chúa chúng ta chẳng khi nào cám dỗ ai, cám dỗ là do khuynh hướng nội tại của con người thiên về sự dữ, mà mọi người đều có. Tuy nhiên khuynh hướng không luôn là điều kiện cần thiết để chịu tấn công. Cám dỗ của Chúa Giêsu hoàn toàn đến từ bên ngoài, chứ không từ bên trong. Chúng ta nhiều khi cũng vậy. Điều chính xác xẩy ra trong các cơn cám dỗ của Chúa Giêsu không phải sự hư hỏng của bản tính, mà loài người chúng ta phải chịu đựng. Nhưng là do lời quỉ sứ kêu gọi Ngài bác bỏ sứ mệnh thiêng liêng và chương trình thiên sai của mình. Cám dỗ đến từ bên ngoài không nhất thiết làm cho cá tính yếu đi, ngược lại, khi chiến thắng, nó tăng cường khả năng trở nên thánh thiện hơn.

Chúng ta có thể dễ dàng phân tích các cám dỗ nhân loại. Bởi lẽ nó luôn rơi vào một trong ba loại. Một, thuộc xác thịt như đam mê ăn uống, dâm dục. Hai, thụôc trí khôn như kiêu ngạo, ghen tương. Ba, thuộc tình yêu ngẫu tượng như tham lam, say mê tiền tài vật chất. Suốt cuộc sống con người bị bầm dập bởi những cám dỗ này. Nhưng tùy theo tuổi tác mà cường độ của chúng có thay đổi. Ở tuổi thanh xuân, cám dỗ thường xuyên là xác thịt, chống lại thanh sạch và khuynh hướng phạm tội dâm ô. Tuổi trung niên, xác thịt bắt đầu tàn lụi và cám dỗ chuyển sang phần tâm trí. Người ta khởi sự thống trị, thí dụ kiêu ngạo và thèm khát quyền lực. Về mùa thu của cuộc đời, cám dỗ hà tiện bắt đầu nổi lên và khẳng định mình. Cảm thấy rằng kết thúc cuộc đời đã đến gần, nên người ta cố gắng xua đuổi nghi ngờ về an toàn đời đời tức sự cứu rỗi, bằng cách tích lũy của cải vật chất và an ninh kinh tế. Kinh nghiệm thường thức cho hay, những ai sống buông thả xác thịt ở thuổi trẻ, thì cũng tham lam ở tuổi già.

Những linh hồn tốt lành bị cám dỗ khác với hạng phàm phu tục tử. Và Con Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người, không bị cám dỗ giống người phàm ngay cả các linh hồn thánh thiện. Cơn cám dỗ của kẻ say sưa "trở về với nôn mửa của hắn" như Kinh Thánh gọi, thì không giống cám dỗ của các thánh về kiêu ngạo. Mặc dầu cả hai đều rất thực. Chúng ta có khuynh hướng nghiêng về sự dữ, cho nên cần hãm mình, hy sinh, từ bỏ, để lôi mình ra khỏi "các cỏ dại", ngõ hầu cuộc sống thiêng liêng có thể phát triển.

Chính thiên nhiên cũng giãi bày nhu cầu hy sinh hãm mình. Ngoài tiến trình vươn lên của sự sống thì còn tiến trình phân hủy, giống như sự co lại của các kim khí. Thí dụ thanh sắt nung nóng lên thì nở ra, khi nguội đi thì co lại, sự sống không những cần nuôi dưỡng mình, nhưng còn trở nên đồ ăn thức uống nuôi dưỡng các hình thức sống khác nữa. Luật này tìm thấy khắp nơi trong tạo vật. Thực vật không những tiêu thụ khinh khí, dưỡng khí, ánh sáng mặt trời, nước, để duy trì sự sống nhưng nó cũng là thức ăn cho trâu bò, dê cừu. Đến lượt mình trâu bò, dê cừu sau khi nuôi dưỡng mình bằng cỏ ngoài đồng thì lại trở nên thức ăn cho loài người, hiến sự sống mình cho loài người được sống. Và khi đã được dưỡng nuôi ở dưới thế, con người phải hy sinh vì nước trời. Nếu định luật này không tồn tại thì mọi sự sống trên địa cầu chấm dứt ngay. Nếu như thế giới vô cơ ích kỷ từ chối không cho cây cỏ ăn, nếu bầu trời từ chối không tưới mưa cho cây cối. Mọi cây cối trên trái đất sẽ chết, nếu cây cối ích kỷ không làm thức ăn cho động vật ngoài đồng, nếu mọi hạt giống ích kỷ không làm thức ăn cho chim chóc, nếu biển cả từ chối không nuôi nấng tôm cá, thì mọi đời sống động vật biến khỏi mặt đất này. Nếu loài vô cơ và súc vật cũng như thực vật không cống hiến cho người ta năng lực và sự sống của mình. Con người sẽ chết, bị xóa sạch khỏi hành tinh nhỏ bé này. Nói cách khác sự sống không những bành trướng bằng cách lớn lên, nhưng cũng phải chết đi theo luật co rút, để cống hiến mình cho bậc sống cao hơn. Toàn thể vũ trụ sẽ là thiên đường, nếu mọi sự, mọi vật trong đó biết hy sinh, dâng hiến sự sống mình vì lợi ích chung.

Nhưng lợi ích nào của các hy sinh? Thứ nhất, liệu hợp lý không khi sự sống chỉ tồn tại vì sự sống khác? Chúng ta trả lời câu hỏi này bằng nghi vấn khác. Liệu thực vật có sự sống trong chính mình? Liệu động vật tự mình có đời sống hoàn hảo? Liệu sự kiện thực vật, động vật và người ta cần thức ăn nuôi dưỡng, chứng minh rằng: Chúng không có cuộc đời hoàn hảo, nhưng phải lệ thuộc vào một đời sống khác? Đúng ra, chỉ Tạo Hóa mới có đời sống đầy đủ. Nếu chẳng tạo vật nào có sự sống hoàn hảo cả, và duy chỉ Thiên Chúa có mà thôi. Thì chúng ta không thể phủ nhận sự thật là đời sống bất toàn không có quyền sống cho chính mình, mà phải hy sinh vì lợi ích chung. Nếu chúng ta công nhận quyền được sống ích kỷ thì cũng phải công nhận quyền ấy trong các bậc sống thấp hơn. Do đó liệu chúng ta dám từ chối tính lệ thuộc hỗ tương của các hiện hữu sống động? Thật là chính đáng, nếu loài vật nuôi dưỡng trong sự hy sinh của loài vật khác, rồi đến lượt mình, hy sinh cho cấp sống cao hơn. Nói cách khác, thật chính đáng nếu loài này tiêu thụ loài kia để rồi mình lại bị loài khác tiêu thụ. Nếu chúng hiến tế kẻ khác thì chúng cũng phải sẵn sàng để bị hiến tế. Nhận rồi lại cho đi, mới theo đúng luật lệ Thiên Chúa thiết lập cho vũ trụ này.

Vậy thì đâu là lợi ích và mục tiêu của tất cả những tiến trình? Thiên Chúa áp đặt luật lệ tự hiến tế lên vũ trụ này làm chi? Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ thì nhận ra đây là chương trình lạ lùng nhất của Ngài. Chương trình an bài mỗi cấp bậc sống được Ngài quan phòng cho một bậc sống cao hơn. Thế giới vô cơ như không khí, ánh sáng mặt trời, các khí khác sẽ chẳng bao giờ có sự sống nếu không đi vào cây cỏ, hay vương quốc thực vật nói chung. Cây cỏ không phá hủy chúng, không làm cho chúng hết hiện hữu, cũng chẳng lấy đi phẩm giá hay vai trò nào của các chất vô cơ đó. Nhưng ban thêm cho chúng cái gì mới, đó là sự sống vương quốc thực vật cao thượng hóa thế giới vô cơ bằng cách kết nạp nó vào đời sống của mình, cho nó chia sẻ niềm vui sự sống mà trước kia nó chẳng hề có. Thế giới thực vật ban cho thế giới vô cơ những luật lệ mới, qui tắc mới của cuộc sống thực vật. Nói cách khác, vương quốc thực vật đã nâng cao vương quốc vô cơ lên một bậc.

Cũng vậy, cùng một tiến trình áp dụng cho thế giới thực vật bước lên đời sống động vật. Giống như các chất vô cơ phải hy sinh chính mình để làm chất dinh dưỡng cho cây cối và bước vào thế giới thực vật thì thực vật cũng phải tự hủy để nuôi sống động vật và như vậy được nâng cao lên cấp bậc động vật. Rau cỏ, cây cối phải được nhổ rễ lên khỏi cánh đồng mầu mỡ để làm thức ăn cho trâu bò, heo gà. Chúng bị nghiền nát nơi răng, nơi dạ dày thú vật để làm chất dinh dưỡng cho động vật và từ đấy bước lên bậc sống cao hơn, gia nhập vương quốc động vật. Tuy nhiên làm như vậy thực vật không mất phẩm gía của mình như là cây cỏ, nếu không nó không thể nuôi dưỡng động vật. Điều xẩy ra là lúc này có những luật lệ và qui tắc khác điều khiển nó ngõ hầu đạt chủ đích mới, tức sắp xếp thành các cơ quan mới. Nói gọn lại, cây cỏ lúc này có hình thức sống cao hơn, tức động vật.

Nhưng cái chi có thể nâng tồn tại của con người lên cao thượng hơn? Liệu có mục tiêu nào đó để con người hi sinh tính mạng ngõ hầu đạt mục tiêu cao thượng hóa, bước lên mức tồn tại cao hơn? Giả dụ như không có, thì thế giới này qủa là một nơi khủng khiếp. Lúc ấy chúng ta sẽ chẳng có quyền quyết đoán có mức sống nào cao hơn con người? Nhiên liệu, bông hồng cũng không có quyền nói rằng có chi sống cao hơn nó. Giả dụ tiến trình của vũ trụ chấm dứt nơi con người, thì phải chấp nhận cây cỏ sẽ ở trên con người, bởi lẽ nó tiếp tục tồn tại cách cao thượng nơi động vật. Và động vật cũng hơn con người, bởi sự tồn tại của nó phong phú hơn nơi con người. Nhưng con người thì lại chẳng tồn tại nơi đâu cao thượng hơn mình. Rõ ràng là điều phi lý. Cho nên, phải có một trật tự nào cao hơn sự sống của con người để rằng con người có thể tiến vào. Đó là trật tự siêu nhiên, nghĩa là phải có hình thức sự sống khác hoàn hảo hơn hình thức hiện tại, cao thượng gấp trăm hình thức vô cơ, cây cỏ và súc vật để con người thỏa mãn ước vọng của mình. Hình thức sự sống mới đó là gì?

Xin thưa, là đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, một đời sống vô cùng cách xa và cao thượng hơn con người. Chúng ta đã khảo sát các tiến trình khác nhau của tạo vật tham dự vào đời sống cao hơn mình. Nhưng khi suy gẫm về màu nhiệm ẩn dấu trong Thiên Chúa từ thuở đời đời "Tức con người được nâng lên để chia sẻ bản tính Thiên Chúa". Thì trong công trình tạo dựng không có chi giống như vậy. Chúng ta được phép nhìn lại vài thí dụ loại suy yếu ớt trong các tạo vật đã nói đến ở trên. Còn đời sống thần linh của Thiên Chúa, tạo vật đến muôn đời bị loại trừ, ngay cả các thiên thần. Nhưng Thiên Chúa đã thông ban đời sống quý báu này cho các thụ tạo thông minh một cách tự do và nhưng không. Ngài có thể thực hiện điều lạ lùng này bằng nhiều đường lối khác nhau. Nhưng Ngài đã mạc khải đường hướng Ngài chọn. Là trở nên Đấng chia sẻ nhân tính của chúng ta, ngõ hầu chúng ta được thông hiệp với bản tính của Ngài. Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta là chiếc cầu nối kết nhân loại với bản tính Thiên Chúa. Bởi vì Ngài mang bản tính loài người về mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Bởi vì Ngài có bản tính Thiên Chúa hợp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nên Ngài là Thiên Chúa. Cái yếu tố định hình chung giữa chúng ta và Ngài là bản tính nhân loại nơi Ngài, cho nên nó là mối dây nối kết chúng ta với đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bây giờ nếu chúng ta muốn sống đời cao hơn, nếu chúng ta muốn tháp nhập vào Thiên Chúa, nếu chúng ta muốn nâng cao đời sống mình, thì bằng phương tiện nào đó, chúng ta phải thâm nhập đời sống thần linh của Thiên Chúa. Chúng ta phải nên một với Ngài, nếu muốn chia sẻ sự sống của Ngài. Nhưng điều chi đã gợi hứng cho luật chết đi để được sống cao hơn? Năng lực màu nhiệm nào thúc đẩy Ngôi Lời Nhập Thể, biến sự chết của mỗi người thành viên đá quá độ đến đời sống siêu nhiên? Đó là tình yêu, tình yêu đã gợi hứng cho tất cả mọi hy sinh. Và tình yêu chính danh không phải là khao khát chiếm hữu, sở hữu, có được - đây là ích kỷ - mà mong ước bị chiếm hữu, bị sở hữu, bị có. Nó hy sinh bản thân vì người khác. Biểu tượng của tình yêu thế gian là một vòng tròn, liên tục xoay quanh mình bởi cái tôi, luôn luôn suy nghĩ về cái tôi. Biểu tượng của tình yêu như Chúa Giêsu mạc khải, là cây thập giá. Nó giang tay đến tận đời đời, ôm ấp mọi linh hồn vào vòng tay mình. Tình yêu tội lỗi của thế gian có mẫu mực là ông Giuđa trong đêm phản bội: "Các ông cho tôi bao nhiêu tiền tôi sẽ nộp hắn cho các ông". Tình yêu chân thật có hình tượng nơi Chúa Giêsu vài giờ sau đó, khi Ngài nghĩ đến các Tông đồ và bảo quân dữ, các bạn của Giuđa kẻ ôm hôn Ngài giả dối : "Vậy nếu các anh tìm bắt ta, thì để cho các người này đi".

Tình yêu, như vậy, là ban tặng bản thân và bao lâu chúng ta còn thân xác, còn hướng đến ơn cứu độ thì nó luôn đồng nghĩa với hy sinh trong truyền thống công giáo của từ đó. Tình yêu hy sinh một cách tự nhiên như mắt xem tai nghe. Đó là lý do chúng ta nói tới tên nhọn, lao phóng của tình yêu. Nghĩa là cái chi đó làm người ta bị thương, chú rể khi yêu cô dâu của mình thì ban tặng nàng chiếc nhẫn bằng vàng, bạch kim chứ không bằng đồng, sắt. Bởi lẽ vàng, bạch kim đắt giá, phải trả bằng giá cao hy sinh. Người mẹ ngồi canh đứa con đau yếu suốt đêm, không gọi nó là nhọc nhằn, mà là tình yêu. Nếu ngày nào đó các ông chồng quên tình yêu đồng nghĩa với hy sinh, ngày ấy họ sẽ cho vợ là giống vật quái gở, ích kỷ đòi đóng góp tiền bạc trong hình thức những bó hoa xinh đẹp, hoặc là mụ bà chằng hà tiện, bắt mua vàng mua bạc dưới nhãn hiệu nhẫn hôn phối. Cũng vậy họ sẽ bụng bảo dạ Thiên Chúa là cái giống gì ác độc, luôn đòi hỏi hy sinh, hãm mình. Ngược lại, nếu tôi cho rằng Thiên Chúa quá yêu nhân loại, đến nỗi gởi con Ngài xuống trần để cứu chuộc loài người, là điều quá hợp lý, và nếu tôi tìm ra một người cha hy sinh mạng sống mình vì đứa con yêu, thì tôi biết chắc rằng Con Thiên Chúa thí mạng sống mình vì bạn hữu là điều chấp nhận được: Bởi vì "chẳng có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người phó mạng sống vì bạn hữu".

Sự so sánh như vậy thật bất toàn. Bởi vì Chúa chúng ta làm nhiều hơn là chỉ theo luật lệ thiên nhiên. Tình yêu của Ngài quá lớn lao. Việc hạ mình, hy sinh của Ngài quá vĩ đại, đến nỗi mọi cố gắng để so sánh theo kiểu trí khôn loài người đều xa sự thật muôn trùng. Nếu như mọi tình nhân đều cố gắng trở nên giống người mình yêu, thì tôi không lấy làm ngạc nhiên khi thấy ai đó dâng hiến mạng sống mình vì Thiên Chúa, và những ai nên giống Ngài đến độ mang nơi thân thể mình những dấu thánh của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu. Tình yêu là nguyên lý cho hết mọi cuộc hiến tế. Vậy thì những người yêu cuộc đời hoàn hảo trong Chúa Kitô sẽ chết đi cho chính mình. Việc chết đi này, việc thuần hóa các chi thể mình như vô vàn các con thú hoang dã, việc in dấu thánh giá trên thân xác mình này, được gọi là khổ chế. Như vậy Chúa Giêsu không ra luật nào mới khi nói chúng ta phải rơi xuống đất và chết đi như hạt lúa. Ngài chỉ đơn giản công bố lại kinh nghiệm chúng ta đã trải qua ngàn vạn lần trong cuộc sống, nhưng chưa học áp dụng nó trong mọi ngóc ngách của vũ trụ. Đặc biệt những tình huống mà linh hồn chúng ta cần thiết nhất.

Tình yêu, bởi nó gây cảm hứng hy sinh, cho nên đối với quan điểm thế gian, là ngu xuẩn. Chẳng ai thấu hiểu người đang yêu hơn chính họ. Họ sống trong một thế giới riêng biệt. Họ hít thở ở bầu không khí khác. Họ thực hiện những điều bất ngờ, không thực, nghịch lý, và ngay cả ngu muội. Đó là luật lệ của tình yêu. Tình yêu hiểu ngầm hy sinh và hy sinh xem ra là dại dột đối với thế gian. Nếu như hiểu tình yêu là vậy, tương đương với hy sinh, khổ chế, hãm mình. Thì mọi hy sinh là ngu xuẩn theo quan điểm thế gian. Đức Giêsu Kitô bước lên thập tự là kẻ ngu dại nhất hoàn cầu, dưới mắt thế gian. Ngài là kẻ thất bại lớn nhất lịch sử. Theo tiêu chuẩn lượng giá của loài người, Chúa chịu đựng một thất bại chưa từng thấy. Trước hết, không giữ được các bạn hữu trung thành. Phêrô tông đồ cả chối bỏ Ngài trước một cô hầu gái của thày thượng phẩm. Gioan ngả mình vào lòng Ngài trong bữa tiệc ly giữ im lặng khi thày bị kết án. Giuđa, một trong mười hai quan tòa xét xử Israel mà Ngài chọn lên, bán đứng Ngài với 30 đồng bạc. Trong 4 phiên xử, trước 4 thẩm phán, Ngài chẳng có lấy một nhân chứng ủng hộ mình. Ngài chẳng giữ nổi các bạn hữu. Phải chăng như vậy là bằng chứng tính không thành công trước cuộc đời?

Hơn nữa, nếu như Ngài là Thiên Chúa, tại sao không thắng nổi tình cảm của Philatô, khi hắn tuyên bố: "Ông không biết rằng ta có quyền tha ông sao?" Ngài có thể được tự do nếu Ngài về phe với viên thái thú toàn quyền Roma. Nhưng Ngài không làm như vậy. Cho nên, thế gian kêu rằng: "ngu xuẩn". Nếu như quyền năng vô cùng tại sao Ngài không đánh phạt cho chết hết đám binh lính đánh đòn và nhạo báng mình? Vậy thì đúng là

- "Ngu xuẩn", thế giới kêu to.

Nếu Ngài có khả năng làm cho các hòn đá trở thành con cái tổ phụ Abraham mà lại không tập hợp bạn bè lúc bị bắt giữ?

- "Ngu xuẩn" thế gian hô.

Nếu có thể làm một phép lạ trước mặt Hêrôđê để hắn tha mình, tại sao Ngài không làm?

- "Ngu xuẩn" thiên hạ kêu lên.

Nếu như Ngài nâng đỡ cả vũ trụ trong lòng bàn tay, tại sao lại để mình vấp ngã dưới sức nặng của cây thập tự?

- "Ngu xuẩn" thế giới la to.

Nếu tay Ngài có quyền phép phục hồi ánh sáng cho đôi mắt mù loà, âm thanh cho đôi tai điếc, thì tại sao cho phép đanh sắc thâu qua?

- "Ngu xuẩn" thế gian kết án.

Nếu Ngài có thể chứng minh thần tính của mình bằng cách leo xuống: "Hãy xuống khỏi thập tự và chúng tôi sẽ tin" Tại sao Ngài không làm theo lời họ, bước xuống khỏi cây gỗ như bước xuống ngai vàng?

- "Ngu xuẩn" thế giới cùng hô.

Nếu như một lãnh tụ kích động quần chúng có lẽ Ngài thành công rực rỡ. Nhưng như một Thượng Đế Ngài bị thiên hạ đóng đinh. Thánh giá là một sự điên rồ. Và Chúa Giêsu Kitô là một thất bại cay đắng. Đó là ý kiến của thế giới. Như vậy tất cả những ai yêu mến Chúa Kitô Đấng chịu đóng đinh phải biết chia sẻ cái ngu dại của Ngài. Định luật đau khổ không phân biệt giữa trò và thày. Thế giới gán nhãn hiệu "khùng" cho tất cả những ai từ bỏ giàu sang, phú qúi, bạn bè, thân thích, rượu chè, khoái lạc để gia nhập nhà dòng, tu viện. Đổi gấm vóc lụa là lấy áo thô vải nhặm và kỷ luật khắc khe. Thế giới sẽ gọi là "gã điên" những ai không đánh trả khi bị tấn công, không nguyền rủa khi bị chửi bới. Bởi lẽ làm như vậy không xứng đáng với sự điên dại của Thiên Chúa, Đấng từng tuyên bố: "Nếu người ta vả má bên phải các ngươi, thì đưa luôn má bên trái nữa". Thế gian sẽ chê là "ấm đầu" bất cứ những ai kiên quyết tuân theo luật lệ cổ hủ, lỗi thời của Giáo Hội về thánh thiện hôn nhân và khước từ quan điểm đương thời truyền bá dâm ô phóng đãng. Thế giới sẽ khinh khi những ai treo mình trên thập tự hy sinh khi hắn có cơ may trèo xuống chơi ván xóc đĩa với các quân lính La mã để thắng bộ y phục của Chúa Kitô.

Đúng vậy, nhưng "sự ngu dại của Thiên Chúa còn hơn khôn ngoan loài người" và "sự khôn ngoan của thế gian này làm sao sánh được với ngu dại của Thiên Chúa?". Nhưng chỉ trong quan điểm của thế gian, mà chúng ta là những kẻ "ngu xuẩn", tựa như Thày mình dại dột trước Hêrôđê! Hay như lời thánh Phaolô: "Vì Chúa Kitô chúng ta là những kẻ điên dại". Ý niệm chung không làm ai trở thành người điên, quan điểm chung là hợp lý, tốt đẹp. Nhưng nó không khuyên ai leo núi để chịu vất vả, cũng chẳng ném ai xuống biển. Ý kiến chung là không bạo động, vậy mà "Nước trời phải cướp lấy bằng sức mạnh, và những kẻ nào mạnh mẽ mới được vào". Ý kiến chung không bảo ai phải thí mạng sống mình. Nhưng Chúa nói: "Ai mất mạng sống mình vì Thày và vì Phúc âm, sẽ tìm lại được nó". Đôi khi đời sống chỉ được cứu khi bước vào nguy hiểm, liều chết trong gang tấc, nhảy xuống vực thẳm (như cháy nhà chẳng hạn). Nhưng quan điểm chung không khuyên ai làm một bước nhảy nguy hiểm. Đôi lần binh sĩ phải mở đường máu qua vòng vây quân thù. Nhưng lúc ấy phải liều chết. Ý kiến chung chẳng bao giờ khuyên người ta quyết định liều lĩnh như vậy. Để vào nước trời đôi khi người ta phải móc mắt bỏ đi. Nhưng ý kiến chung không ai làm như vậy. Quan điểm chung là người ta chết vì bắt buộc phải chết. Nhưng tình yêu khiến người ta chết để được sống. Và cũng luân lý đó mà tình yêu Chúa Kitô, Đấng chịu đóng đinh, đã sản xuất ra thượng trí khôn ngoan của thiên đàng ở cái giá "ngu dại" trước mặt người đời. Nó làm cho người ta từ bỏ sự sống mình, để được lại đời sau, làm cho người ta bán hết gia tài để mua viên ngọc quý, làm cho người ta ném thế giới đi như đồ vặt vĩnh, cười vào mặt thần chết và phát biểu như một vị thánh tân thời nói: "Tôi chẳng cần tuân phục để chết, nhưng cần để sống". Điều này không có nghĩa Tin Mừng của Chúa Giêsu là Phúc âm của khổ đau.

Xin suy nghĩ kỹ những dòng sau đây của Đức Hồng Y Newman: "Quan điểm cuộc đời này để hưởng thụ khoái lạc và hạnh phúc mang nặng tính nông cạn. Đối với những ai nhìn kỹ bên dưới bề mặt của sự việc thì dễ dàng nhận ra câu truyện khác hẳn. Một cách sâu sắc hơn nhiều, học thuyết thánh giá cũng dạy cùng một bài học mà thế gian dạy cho những ai sống lâu và có nhiều kinh nghiệm sống, thấu hiểu về đau khổ. Thế gian này chỉ ngọt ngào ngoài miệng, trong lòng đầy đắng đót, chua cay. Nó làm cho chúng ta đầu tiên là hài lòng, nhưng cuối cùng không được vậy. Bề ngoài coi nó vui vẻ trẻ đẹp, nhưng bên trong toàn xấu xa, khổ ải! Khi người ta sống đủ lâu, họ sẽ la to lên với sách giảng viên: "Phù vân, mọi sự thảy đều phù vân". Nếu không được tôn giáo hướng dẫn, họ buộc phải đi xa hơn và nói:

Mọi sự thảy là phù vân, là lao tâm khổ tứ, là thất vọng, là buồn sầu, là khổ đau." Sự phán xét nghiêm ngặt của Thiên Chúa về tội lỗi con người ta, đã nằm sẵn trong thế giới này rồi. Nó bắt buộc người ta phải khóc than đau đớn dù muốn hay không. Vậy thì thánh giá Chúa Kitô đã dạy chúng ta nếm trước cái kinh nghiệm thảm sầu ấy của thế giới... Phúc âm ngăn cản chúng ta nhìn nó cách hời hợt, mà tìm những vui thú chóng qua trong sự vật. Nó cấm chúng ta tìm kiếm vui sướng tức thời, để ban cho chúng ta niềm vui trong sự thật và viên mãn đời sau. Nó khước từ chúng ta thỏa mãn ban đầu và nói rằng nếu bạn khởi sự bằng vui sướng, bạn sẽ kết thúc trong đau khổ. Nó khuyên chúng ta nên khởi sự với thánh giá Chúa Giêsu, và nơi thánh giá ấy chúng ta sẽ tìm thấy đầu tiên là khổ đau, nhưng sau đó là bình an và vui mừng nổi lên từ đau khổ đó. Thánh giá sẽ dẫn đưa chúng ta từ khóc than, hối cải, khiêm tốn đến cầu nguyện, ăn chay, đánh tội và phục sinh. Chúng ta sẽ than khóc vì tội lỗi, chịu đau khổ với Đức Kitô, nhưng sẽ được vui mừng và hạnh phúc lớn lao hơn các nỗi thống khổ cũ, lớn lao hơn những lời hứa của thế gian, mặc dù thế gian chẳng thể hiểu, chẳng thể tin được điều này. Nó còn chế nhạo ý niệm về chân lý ấy, bởi nó chưa hề nếm thử. Có người còn cho là ngôn từ rỗng tuếch mà các tu sĩ nam nữ thấy tiện nên dùng, cố gắng tự thuyết phục về nội dung của nó. Và đem ra tuyên truyền cho người khác. Nhưng thực tế chẳng có chứng cớ nào cả, chẳng ai cảm nhận được ý nghĩa.... Nhưng sự thật là, chỉ kẻ nào khởi sự với thế giới vô hình mới hưởng được đầy đủ thế giới hữu hình, kẻ nào đầu tiên khước từ nó, mới thụ hưởng nó chân thật hơn. Kẻ nào trước hết, chay tịnh, rồi mới tận hưởng bữa tiệc linh đình. Kẻ nào học biết không lạm dụng nó, mới thừa hưởng sự giàu sang của nó. Và chỉ những ai coi nó như chiếc bóng của thế giới đang tới và vì vậy không ngần ngại khước từ nó, thì đạt được điều chân thật.

(Thập giá Chúa Kitô và thế giới)

Như vậy chủ đích của hãm mình không phải để hủy hoại tự do, nhưng kiện toàn nó: Tự do không có nghĩa muốn làm chi cũng được, nhưng có nghĩa làm điều xứng đáng. Người ta không tự do khi sống phóng túng, tăng cường ảnh hưởng của tội nguyên tổ. Hãm mình là bóc trần cái "bản ngã" ích kỷ và làm chúng ta tự do hơn để theo chân Chúa. Linh hồn càng tháo cởi được các xiềng xích buộc mình với các thói xấu thế gian, thì càng tự do hơn, càng trở về với chính mình. Như tên say sưa luôn bị ám ảnh bởi rượu chè, thì các thánh luôn bị cái "bản ngã" thanh sạch chiếm cứ. Như thế có khả năng tất cả chúng ta đều trở nên thánh thiện hay thiêng liêng hóa như con cái Đức Chúa Trời, giống như viên đá sù sì có khả năng trở thành một pho tượng đẹp. Nhưng trước khi nó trở nên pho tượng nó cần được đục, đẽo gọt trong tay các nghệ sĩ tài hoa. Các nghệ sĩ này biết cách loại bỏ đi những phần thừa thãi của tính ích kỷ, ngõ hầu tỏ lộ ra hình ảnh xinh đẹp mới mẻ của Chúa Kitô.

Cho nên hy sinh hãm mình tự nó không phải là mục tiêu nhắm tới, nhưng là phương tiện cần thiết để đạt mục tiêu. Những ai tự thực hành kỷ luật như cốt yếu của tôn giáo, và sẵn sàng khước từ tạo vật của Thiên Chúa như sự dữ, thì luôn tỏ ra kiêu căng. Nhưng từ bỏ vật chất hiểu theo đúng nghĩa lành mạnh là phương tiện duy nhất để gắn bó với Thiên Chúa. Tuy nhiên không có hy sinh thực sự, nếu thiếu tình yêu Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói rằng bác ái, thương người, hy sinh, bố thí và ngay cả tử đạo nếu thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa thì không đáng phần thưởng đời đời: "Giả như tôi có đem hết tài sản và cơ nghiệp ra bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1 Cor 13, 3). Người thanh niên trong trường tình bỏ hết mọi tình bạn khác và tập trung vào một cô gái để diễn tả tình yêu của mìnnh với cô ta. Thì trong trật tự siêu nhiên linh hồn cũng phải từ bỏ lòng quyến luyến các tạo vật thế gian, để bày tỏ tình yêu của mình với Thiên Chúa. Nó chỉ gắn bó với một mình Thiên Chúa mà thôi.

Quá khứ tồn tại nơi chúng ta như những thói quen, như những cắn rứt lương tâm vì tội lỗi, như những khuynh hướng lặp lại tội quen phạm. Các kinh nghiệm quá khứ lưu thông trong máu huyết, trong tiềm thức, ngay cả trong lối ăn vận hàng ngày của chúng ta. Cho nên phán xét của ngày mai cũng luôn ám ảnh chúng ta, gây nên những lo âu, và sợ hãi, kinh khiếp và bồn chồn nơi mỗi người, làm cho chúng ta cảm thấy bất an và thấp thỏm. Con bò hay con ngựa chỉ sống trong giây phút hiện tại, không hề cắn rứt lương tâm hoặc lo lắng. Nhưng con người không được an bình như vậy. Họ không những kéo lê quá khứ mà còn mang gánh nặng tội lỗi trên mình, lo âu về tương lai vĩnh cửu!

Và bởi vì quá khứ có mặt ở trong con người dưới hình thức lương tâm cắn rứt và tương lai trong các lo lắng. Cho nên phương pháp duy nhất để con người thoát khỏi gánh nặng là hạ quyết tâm vững chắc tránh xa tội lỗi. Bước đầu tiên là phải tẩy rửa quá khứ. Ở bước này phải phân biệt tha thứ và đền bù vì những tội lỗi nhớ đuợc. Nhiều người nghĩ rằng một khi trót phạm tội, điều cần thiết là quên nó đi, cái gì là quá khứ hãy để nó trôi vào dĩ vãng. Nghĩ như vậy là sai lầm. Số người khác cũng sai lầm tương tự khi cho rằng, một khi phạm tội và được tha thứ, chẳng cần phải làm chi xa hơn nữa. Cả hai cái nhìn này đều chưa đầy đủ. Bởi nó thiếu tình yêu, ngay khi linh hồn tiếp xúc với Chúa Giêsu và nhận ra rằng đã xúc phạm nghiêm trọng đến Ngài, một tình yêu vô bờ, thì công việc đầu tiên nghĩ tới, sau khi được thứ tha là giống như ông Giakêu "Tôi xin đền bù mọi sự". Chúa chúng ta, khi thiết lập bí tích hòa giải đã nói rõ ràng rằng: Có sự khác biệt giữa tha thứ và tháo gỡ quá khứ, đó là lý do sau khi xưng tội, thì lãnh nhận công thức giải tội, hay hòa giải, và là lý do, một khi đã được thứ tha, thì linh mục giải tội nói: "Việc đền tội là…" tức phải đọc bao nhiêu kinh cầu nguyện. Bao nhiêu việc lành, hãm mình, để đền vì phần tội đã xưng thú.

Tính hợp lý của việc đền bù này tỏ hiện rõ ràng, nếu chúng ta diễn giải các xúc phạm đến Thiên Chúa bằng một thí dụ cụ thể. Giả dụ tôi ăn cắp của bạn chiếc đồng hồ đeo tay. Khi lương tâm ray rứt, tôi quyết định thú nhận với chủ nhân và nói "liệu anh tha tội cho tôi không?" Dĩ nhiên bạn tha, nhưng chắc chắn sẽ đòi lại chiếc đồng hồ và nói: "Vậy thì xin trả lại nó cho tôi." Trả chiếc đồng hồ là bằng chứng rõ ràng lòng hốn hận chân thành của tôi. Ngay cả các con trẻ chơi với nhau cũng vậy. Chúng cũng bồi thường xứng đáng hay cân bằng khi bị ray rứt vì tội lỗi: Đứa trẻ chơi đá banh chẳng may làm vỡ kính cửa sổ. Hắn tự động nói: "Con sẽ mua đền tấm khác". Chỉ tha thứ mà thôi không tháo gỡ được xúc phạm. Nếu chúng ta nói với ai đó sau khi phạm tội, đóng một chiếc đinh vào cột, mỗi lần được tha thứ thì nhổ chiếc đinh ra, chẳng bao lâu khám phá ra rằng, chiếc cột đầy các lỗ đinh, lúc đầu, chúng đâu có lỗ đinh nào? Tương tự như vậy, chúng ta chẳng thể nào trở lại thời trong trắng khi mà tội lỗi chưa phá huỷ. Khi chúng ta quay lưng với Thiên Chúa do phạm tội chống lại Ngài, chúng ta đã đốt cháy chiếc cầu nối kết. Bây giờ phải kiên nhẫn bắc lại chiếc cầu. Một doanh gia mắc nợ khổng lồ, sẽ thấy mình mất hết uy tín, chẳng còn khả năng tiếp tục buôn bán. Tội của chúng ta cũng vậy, phải thục hồi cho Thiên Chúa nếu muốn còn tiếp tục công việc của sự sống.

Cho nên, đền bù là hành động trả nợ cho các tội đã phạm. Khi việc đó đã làm, Thiên Chúa nối lại tình nghĩa với chúng ta. Lòng tha thứ của Ngài là sự phục hồi mối tương quan yêu mến. Giống như khi chúng ta xúc phạm đến bạn hữu, chúng ta sẽ chẳng cảm nghiệm được bạn thứ tha, cho đến khi lại giao tiếp vơiù nhau trong tương kính. Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn sẵn sàng. Sự tha thứ của Ngài luôn hiện diện. Nhưng chúng không hoạt động cho đến khi chúng ta tỏ bày cho Ngài biết chúng ta thực sự cần đến. Người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng luôn có lòng thứ tha, chờ đợi hắn trở về. Những đứa con chưa trở về thì làm sao ông ban bố sự tha thứ ấy? Cho tới lúc hắn thay đổi ý kiến, hối hận và trở về xin tha thứ. Hắn đã thực hiện như vậy và việc đền bù là hắn xin chỉ làm một tôi tớ trong gia đình mà thôi. Bao lâu chúng ta còn gắn bó với sự dữ, bấy lâu việc tha thứ vô phương thực hiện. Điều đó thật đơn giản giống như luật của sự sống vậy. Nếu chúng ta sống thẳm sâu trong hang tối thì làm sao ánh sáng mặt trời có thể chiếu tới chúng ta? Và chẳng bao lâu đôi mắt chúng ta sẽ đui mù. Việc thứ tha như vậy không có tính tự động để được ơn ấy, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận. Cái bằng chứng của lòng đớn đau vì lỗi phạm là việc chúng ta vui lòng nhổ sạch rễ của nết xấu trong mình. Nết xấu thúc đẩy chúng ta phạm tội. Người ghen ghét hàng xóm láng giềng và đi xưng tội, nhưng chỉ được tha nếu hắn sẵn lòng tha thứ cho kẻ thù: "Nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em, là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em" (Mc 11, 26).

Tự yêu mình là nguồn gốc mọi hỗn loạn. Sai lầm trong lối sống, đưa đến một loạt những thói xấu mà các nhà đạo đức gọi là bẩy mối tội đầu. Chúng thuộc tính ích kỷ mà người có đức tin phải tránh xa. Bẩy mối tội đầu là 7 ngọn cờ của các tính xấu. Chúng là: Kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, dâm ô, giận ghét, tham ăn và lười biếng. Để có thể chống lại bẩy thói xấu này. Chúng ta cần sáng suốt nhận diện chúng nơi bản thân.

* Kiêu ngạo: Là tự đánh giá cao, vượt xa cả sự thật. Hình thức cao nhất của nó là biến mình thành luật lệ cho mọi người. Tiêu chuẩn xét đoán luân lý là hắn, thượng đế là hắn. Hắn là trung tâm vũ trụ, không ai bằng hắn.

Trong văn hóa tân thời, kiêu ngạo núp dưới hình thức đẹp đẽ hơn: Thành công và nổi tiếng. Khao khát của đàn ông tân thời là được người ta phục vụ rượu tốt nhất, của phụ nữ tân thời là quần áo bảnh bao nhất, của học sinh tân thời là đầu tóc bù xù nhất. Ở điểm này, chúng ta thấy hiện tượng diêm dúa cực kỳ nhất của ích kỷ. Nó khiến những kẻ hành động như vậy phải được chú ý, nếu không họ chẳng thể chịu nổi. Ngoài ra phê bình, chỉ trích, nói xấu, lăng nhục, lời chua cay là những việc làm khác của cái tôi ích kỷ, mục tiêu của nó là nâng cao bản thân lên trên xác chết của tiếng tăm thiên hạ. Mỗi sự hạ thấp danh giá người khác là một sự bành trướng bản thân mình. Nếu người ta càng cảm thấy mình quan trọng thì càng nổi giận nếu không được trọng vọng. Những ai nịnh hót mình, thì được coi là khôn ngoan, ngược lại, những ai phê bình thì bị gán cho là ngu ngốc.

Kiêu ngạo lại có bẩy nhánh: 1/ Khoe khoang hay tự tôn vinh bằng lời nói. 2/ Lòng yêu nổi tiếng tức yêu thích lời khen của kẻ khác. 3/ Giả hình: giả vờ đạo đức, thánh thiện. 4/ Cứng cổ, từ chối ý kiến kẻ khác. Ý kiến của mình là hơn hết. 5/ Bất hòa, không từ bỏ ý kiến sai lầm. 6/ Cãi cọ, gây gỗ bất cứ ai khác ý kiến với mình. 7/ Không vâng lời, khước từ tùng phục bề trên. Thường khi những người ưa thích nổi tiếng, coi ý kiến mình quan trọng hơn, hay hơn kẻ khác, thường không hay vâng lời. Họ coi trọng thắng lợi hơn là ích chung. Đó là lý do tại sao họ hay từ chối quà cáp không giao đúng giờ, đúng lúc khi họ tỏ ý muốn có. Họ ưa thích trừng phạt thiên hạ khi không vừa ý. Khi tranh cãi họ không cần biết sự thật nhưng chỉ cần thắng cuộc, làm như mình hay ho nhất, khẳng định ý kiến mình dẫu nó sai.

* Hà tiện: Là thói xấu thứ hai gây nên muôn vàn giống tội. Nó là biến thể của bản ngã cá nhân, lan sang chiếm hữu của cải vật chất, để thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của mình. Sự suy đồi bắt đầu từ thu tích tài sản như mục tiêu, chứ không như phương tiện, cách mà tài sản được thu tích. Họ bất chấp quyền lợi kẻ khác, bủn xỉn trong việc tiêu dùng. Họ làm giàu không giới hạn. Họ không dám dùng của cải phục vụ các nhu cầu tha nhân.

Hà tiện là dấu hiệu người không tin cậy vào Thiên Chúa nữa. Họ tự quan phòng cho mình: "Nó đích thị là người chẳng lấy Chúa làm nơi ẩn náu, nhưng chỉ tin cậy vào đồng tiền đống của và khoe khoang mưu độc của mình" (Tv 52,9). Nếu không sửa chữa sớm, tính hà tiện sẽ gây nên các nết xấu khác nữa trong đời sống con người. Thí dụ vô cảm trước đau khổ tha nhân, lo lắng bồn chồn trước tương lai, ước muốn không đúng có nhiều hơn nữa. Bạo lực chống kẻ khác để bảo vệ tài sản của mình. Nói dối để thu tích thêm nhiều, phản bội, lừa đảo như trường hợp của Giuđa.

Ưa thích quá đáng đời sống nhung lụa cũng là dấu chỉ của hà tiện. Nó chứng tỏ linh hồn trần trụi phải lấy khoái lạc vật chất che đậy. Con người càng cần đến trang điểm bên ngoài như vàng bạc kim cương, ngọc ngà, châu báu càng chứng tỏ sự nghèo nàn của tâm hồn. Hội hè, đình đám thường xuyên cũng là dấu chỉ trống rỗng trong tâm hồn. Người ta phải lấy những náo loạn vật chất để bù đắp lại. Lúc ấy cái "có" bên ngoài lẫn lộn với hữu thể căn bản. Người ích kỷ luôn tưởng rằng mình có giá trị bởi vì mình chiếm hữu nhiều của cải! Đây là giống tội tày đình gây nên nhiều khinh bỉ khi chúng ta xem thấy nó nơi kẻ khác, và kiêu ngạo nơi bản thân mình. Tâm lý thông thường chứng tỏ rằng con người hà tiện tàng hình dưới cái vỏ "tận tụy công việc", rất khó sống đời sống tinh thần. Hắn có nhiều ảo tưởng và sai lầm rằng mình chẳng thiếu thốn điều chi, đầy đủ mọi sự, tự mãn hết cỡ. Cái mà hắn công nhận mình còn thiếu, là những thứ thỏa mãn cho thân xác hắn. Phúc âm Marco kể (10,23): "Và Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và nói với các môn đệ: Người giàu có khó vào nước Đức Chúa Trời biết bao".

* Ganh tỵ: Là thói xấu có tâm lý buồn rầu trước hạnh phúc của tha nhân, nhất là hạnh phúc đó lại vượt trên tính cao ngạo của mình. Người giàu thường khi hà tiện, thì kẻ nghèo hay ghen tương. Người ghen tương căm ghét bất cứ ai hạnh phúc, vui vẻ. Hắn coi như người khác ăn cắp của hắn, nếu họ có tiền bạc, sắc đẹp, hạnh phúc, bình an, duyên dáng, học thức… ganh tỵ thúc đẩy đàn bà xấu xí ném những lời chua cay vào các phụ nữ khác đẹp hơn họ và gọi những người khôn ngoan là ngu dại ngớ ngẩn. Các kẻ ghen tương không với lên được, thì họ kéo thiên hạ xuống. Tính ganh tỵ khiến người ta hợm mình, thấp kém học làm sang, luôn ghen ghét, luôn đòi hỏi, sở hữu. Đối với kẻ hay ganh tỵ, những ai lịch sự họ gán cho hai chữ "ngạo nghễ", những ai đạo đức hai chữ "giả hình", những ai giáo dục tốt ba chữ "con nhà nòi", những ai học thức hai chữ "mọt sách". Ganh tỵ khởi đầu bằng câu hỏi: "Tại sao tôi không sở hữu những thứ người khác có?" Và kết luận: "Tại vì họ có những khả năng mà tôi không hề có". Thế rồi sinh ra thù oán. Nó không bao giờ tôn trọng, kính nhường ai và nhất là không khi nào biết nói "cám ơn".

Ganh tỵ khởi sự quá trình của mình bằng cách hạ bệ thanh danh tha nhân hoặc kín đáo hoặc kể truyện bịa đặt, nói xấu, lép xép, rỉ tai và các nội dung khác tương tự, nghĩa là khi thấy có hiệu quả, người khác bị hạ bệ là mình vui mừng. Sẽ là tội trọng nếu ghen tương tấn công sự tiến bộ thiêng liêng hay tông đồ của kẻ khác. Đau đớn vì thành công của họ.

Một trong những đường lối chữa trị biểu hiện của ganh tỵ trong bản thân chúng ta là đọc một kinh cầu nguyện ngay sau khi cảm thấy cơn bệnh nổi lên, vì thành công của ai đó. Dâng họ lên Thiên Chúa và cầu chúc họ tốt đẹp hơn nữa. Lúc ấy chúng ta đập nát cơn ghen tỵ tâm lý tự nhiên. Phương thế thứ hai là cố gắng ganh đua với đối tác gây ghen tương cho mình. Hội Thánh có nhiều gương sáng của các thánh không phải để đè nén chúng ta, nhưng để khích lệ con cái mình, không phải để làm chúng ta nhát đảm vì các yếu đuối của mình, nhưng thúc đẩy chúng ta tiến lên. Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt." (Dt 10,24).

* Dâm ô: Là ước ao vô độ những khoái lạc xác thịt, là đĩ điếm trong tình yêu, là bành trướng ích kỷ tới độ cái tôi chiếu rọi vào thân thể người khác. Cái tôi yêu đương dưới ảo tưởng rằng "em" đang được yêu đương, nhưng thực sự đang bị lợi dụng để thỏa mãn cái tôi. Tình yêu thực hướng về người mình yêu như đối tượng duy nhất và không thay thế được. Nhưng dâm ô loại bỏ mọi suy nghĩ về người khác, vì thế, chỉ kinh nghiệm thỏa mãn thú tính của mình. Ngày nay người ta đồng hóa dâm ô bằng nhiều nhãn hiệu diêm dúa, như văn chương, nghệ thuật, tâm lý, với cái cớ rằng tội ấy là cần thiết cho sức khỏe, khẳng định mình, viên mãn thói đời …Thực ra, dâm ô là một bệnh biến dạng nhân cách từ tinh thần đến xác thịt, từ cái tôi cao thượng đến cái tôi thấp hèn. Nhiều trường hợp dâm ô quá độ sinh ra từ lương tâm bất an, từ ước muốn trốn thoát bản ngã sang nhân vật thứ hai. Đôi khi ngược lại, bắt người ta tùng phục sự ích kỷ của mình, làm nô lệ tính dục mình. Ở mức độ cuối cùng này, tính dâm ô thấy rằng trốn thoát khỏi bản thân hay biến mình thành ngẫu tượng không kéo dài được lâu. Bởi vì linh hồn bị lương tâm cắn dứt, bắt trở về với bản thân và như vậy bản thân trở thành hỏa ngục nội tại. Kết quả của dâm ô là lòng ghét bỏ Thiên Chúa và từ chối cuộc sống vĩnh hằng vì Thiên Chúa là quan tòa và cuộc sống đời đời là nỗi thất vọng. Quá độ của xác thịt xóa bỏ mọi nguồn nghị lực tinh thần đến mức, cuối cùng người ta không còn khả năng phán đoán lành mạnh trong bất cứ lãnh vực nào nữa.

Chẳng có dục vọng nào gây nên kiếp nô lệ nhanh chóng như dâm ô. Chẳng có nết xấu nào phá hủy nhân cách, trí khôn, lòng muốn nhanh lẹ như tội xác thịt. Nó làm bại hoại lý trí con người theo 4 mặt: 1/ Sự hiểu biết: Dâm dục làm cho trí khôn ra đần độn, mù quáng, không còn khả năng hiểu biết sự thật; 2/ Thiếu khôn ngoan và giảm giá trị cuộc sống. Như vậy người ta trở nên vội vàng, hồ đồ trong phán đoán; 3/ Vô tâm do quá tập trung vào hưởng thụ ích kỷ nên không nghĩ đến người khác nữa; 4/ Bất thường, hay đổi thay, bởi vì lòng muốn đã ra yếu đuối, mất khả năng quyết định vững chắc.

* Giận dữ: Là thói xấu ước muốn mạnh mẽ trừng phạt người khác. Ở đây tôi không đề cập đến nổi nóng chính đáng như Chúa chúng ta khi Ngài đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, những thứ giận dữ trái phép. Nó thể hiện trong những nết xấu, trả thù, để bụng, giận hờn, âm mưu, đập phá, kéo bè đảng… Hình thức dối trá của nóng giận nơi những kẻ ích kỷ là ước muốn "ngang bằng" ăn miếng trả miếng, mắt đền mắt, răng đền răng, xin tí huyết cho biết tay nhau. Trên mặt báo chí và sân khấu người ta gán cho giận dữ nhãn hiệu "phẫn nộ công chính". Nhưng sự thật, nó vẫn là căn bệnh ám ảnh người ta đe dọa, thịnh nộ, ác độc, tà ý và cuối cùng là bất bình nổi loạn. Những người có lương tâm xấu thường là những kẻ hay nóng giận. Thí dụ kẻ trộm cướp sẽ nổi sùng khi người ta nói đến tật xấu của hắn, nói hắn là tên ăn trộm. Người lương thiện không có thái độ ấy. Người phối ngẫu bất trung sẽ nổi sùng khi bị bắt quả tang ăn vụng. Đàn bà hay ghen tương và độc ác sẽ đổ giận lên đầu người ăn kẻ ở trong gia đình. Những người mắc thói xấu ích kỷ thường phản ứng cực kỳ tàn bạo khi đụng chạm đến tự ái của họ và khi các người tốt khiển trách họ bằng các nhân đức thì bị bôi xấu cách ma quái.

Có những mức độ giận dữ khác nhau. Đầu tiên là cảm xúc mạnh - tức nhạy bén và bất nhẫn với những bất tiện nhỏ nhặt. Cà-phê lạnh buổi sáng, báo chí đến chậm, cũng làm họ cằn nhằn giận dỗi. Mức độ thứ hai là nổi sùng với những cử chỉ đe dọa, mặt đỏ gay, sôi máu và ngay cả phá phách đồ dùng. Những biểu hiện này chứng tỏ tội cáu giận không cho phép ai can thiệp vào việc thỏa mãn khát vọng ích kỷ của họ. Mức độ thứ ba cũng là cuối cùng, khi có một thể hiện bạo lực thể xác chống lại người khác. Nói rõ hơn là dùng chân tay ẩu đả tha nhân. Lúc ấy lòng hận thù tìm đền bù, làm thiệt hại đối phương hoặc bằng tự vẫn. Nhiều người không nhận ra tác hại quỷ quái của nóng giận trong linh hồn mình, cho đến khi tự ái bị xúc phạm. Giận dữ ngăn cản nhân cách phát triển, làm ngưng mọi tiến bộ thiêng liêng - không những vì nghĩ nó khuấy động tâm trí và thiếu phán đoán công bằng, nhưng nó còn làm mù quáng trước quyền lợi tha nhân, phân tán suy tư, điều kiện cần thiết để được ơn thánh Chúa soi dẫn. Nóng giận luôn luôn là hậu quả của một vài thất bại do cái tôi xây dựng nên. Sửa chữa nó nơi tha nhân là việc rất khó khăn. Bởi vì nó đã đâm rễ sâu vào tính kiêu ngạo của con người ta rồi, mặc dầu ít kẻ ích kỷ chấp nhận lý thuyết này. Nhiều người thà cho thân xác bị tổn thương hơn là cái tôi bị hạ nhục.

* Mê ăn uống: Là lạm dụng khoái lạc hợp pháp Chúa đã gắn liền với việc ăn uống. Sinh hoạt ăn uống là phương tiện cần thiết để duy trì sự sống. Cái xấu của nó là quá độ, tìm sự sung sướng trong ăn uống quá mức. Ăn uống để bảo tồn sự sống. Nó có hai hình thức: ngoài giờ qui định và tìm cao lương mỹ vị. Tham lam ăn uống núp dưới hình thức sức khỏe tốt, nhung lụa, tình dục, sống sang trọng tiện nghi, hợp thời đại. Thế hệ hai cằm, bụng bự, coi dục tính này là đương nhiên, không coi nó tội nặng. Chúng chẳng nghĩ gì đến hy sinh, hãm mình, khổ chế nữa. Tính quỷ quái của nết xấu này nảy sinh từ sự kiện nó làm cho linh hồn nô lệ thân xác và như vậy làm suy yếu đời sống trí thức và luân lý của người ta.

* Lười biếng: Là thói xấu cuối cùng của bẩy mối tội đầu, tức bảy nguyên nhân chủ yếu sinh sản ra tội lỗi. Lười biếng là bệnh của lòng muốn, làm cho người ta bỏ bê bổn phận. Về phương diện thường thức lười biếng có dạng ươn ái, yêu dễ dãi, nhàn hạ, ở không, lãnh đạm, vô cảm, trốn tránh công việc, lườn khươn, trì hoãn, chần chừ, lãng phí thời gian, dông dài… về mặt tinh thần lười biếng biến dạng thành lạnh nhạt, gớm ghét đọc kinh cầu nguyện, ươn lười thờ lễ, không ưa đời sống thiêng liêng. Lười biếng ghét sống kỷ luật. Họ ưa nhìn xem các hình ảnh trên báo chí và không bao giờ đọc một dòng chữ. Nếu có đọc thì sách họ ưa thích là tiểu thuyết dâm ô, lãng mạn, tục tằn. Họ chẳng khi nào đọc nội dung nặng nề, nhưng hữu ích, như triết học, thần học, toán học… Họ tự gán cho mình là bao dung, tiến bộ, tầm nhìn rộng rãi. Tuy nhiên họ không có nghị lực tinh thần để sáng tác, tìm tòi chân lý. Họ khườn khĩnh trong mọi sinh hoạt, ở không, chẳng muốn vận dụng thân thể. Người ươn lười không yêu mến ai ngoài cái thân thể của mình, cũng chẳng ghét ai, chẳng sợ nguy hiểm. Họ sống là để sống và cũng chẳng có mục tiêu nào để chết. Họ tự mục nát với thời gian, chứ không phải vì lao động mệt nhọc. Người lười biếng quả là gánh nặng cho mọi người chung quanh, vì họ không hề phục vụ ai, mục tiêu nào, mà chỉ tiêu thụ và đòi người khác hầu hạ. Xã hội càng nhiều người lười biếng càng trở nên tồi tệ. Người ươn lười là kẻ ích kỷ nhất vì họ tập trung mọi sự vào thân thể mình. Về căn bản, người ươn lười tìm lối thoát khỏi các trách nhiệm tinh thần và xã hội, với trông đợi ai đó săn sóc cho mình. Thực chất hắn là một tay ăn bám, sống nhờ lao động của kẻ khác. Hắn đòi hỏi thiên hạ nuôi nấng hắn, cung cấp lương thực thực phẩm và nhu cầu khác cho hắn để sống dễ dãi, nhung lụa. Hắn yêu cầu đặc quyền ăn bánh mà không phải kiếm ra! Hắn là một kẻ vô ích trong cộng đồng.

Việc cật vấn lương tâm hàng ngày phải dựa trên một trong bẩy nết xấu chủ yếu của tính ích kỷ. Nó rất khó khăn, bởi lẽ con người ta không mấy khi chấp nhận sự thật về bản thân. Chúng ta thường thiếu lương thiện với mình, lừa dối mình bằng những biện minh tâng bấc: Vua Đavit cầu xin Thiên Chúa lục xét lương tâm mình, kẻo nếu làm lấy, vua sẽ bỏ qua vài tội nghiêm trọng. Tuy nhiên biết mình chân thật lại là một phần thưởng. Bởi lẽ biết mình và mạc khải từ Thiên Chúa thường đi đôi với nhau. Càng khám phá ra mình như sự thật khách quan càng cảm thấy cần đến Thiên Chúa và lúc ấy Thiên Chúa tỏ mình ra cho linh hồn tốt lành ấy. Họ trở nên đơn sơ chân thành và dễ mến, ngược lại càng mù mờ về mình, con người ta càng trở nên lắt léo phức tạp. Tâm hồn không chịu phân tích mình là tâm hồn chứa đầy ngầm ý và quan tâm rắc rối. Cái phức tạp của nó sinh ra bởi thiếu sự thâm nhập sâu xa vào tính nết của mình. Họ thất bại không phơi bày được hết sự thật bản thân và không hội tụ năng lực vào một mục tiêu. "Tôi có tính khí xấu, tôi uống rượu quá nhiều, tôi hay chì chiết, hay chỉ trích người, tôi lười biếng" là những lời than phiền cửa miệng của những tâm hồn còn chút cao thượng, chúng là những mục tiêu quan trọng phải trừ khử. Người ta không dễ dàng chấp nhận nếu không có quyết tâm mạnh mẽ hòng thoát ra khỏi các thói quen xấu. Sau đó chúng ta phải nhận diện chúng và bất cứ nết xấu nào khác để xóa bỏ. Có bốn bước để gỡ mình ra khỏi tính hư nết xấu.

Thứ nhất: Soi rọi vào tâm hồn. Đây là bước cần thiết ngõ hầu chúng ta cách ly các nết xấu và xem nó như một tội nặng. Chúng ta ngạc nhiên khi người khác chỉ trích mình về một vài khuyết điểm chứng tỏ chúng ta chưa tỉnh táo đủ để biết rõ mình. Một số người còn sợ không dám khám xét lương tâm, bởi những hậu quả tai hại của việc tìm ra các nết xấu. Họ giống như người hèn nhát kia không dám mở phong thơ, vì khiếp sợ tin buồn của nó. Nhưng can đảm nhìn vào nội tâm lại tương đương với chuẩn bệnh phần xác. Nó là bước đầu tiên tiến tới sức khỏe. Người con hoang đàng trong Phúc âm đã đi vào nội tâm mình trước khi anh quyết định cất bước về nhà cha, và nhận lỗi cùng gia đình. Cầm chiếc đèn pha soi rọi vào bản thân chúng ta mới nhận ra các thói xấu của mình và sửa chữa, nó sẽ làm cho chúng ta thấy mình, không như chúng ta muốn thấy, mà thực tế chúng ta đang sống.

Thứ hai: Tránh các dịp tội. Đây là đường lối dễ dàng nhất để không phạm tội. Kinh nghiệm thường ngày cho chúng ta hay đường lối giữ mình khỏi các rắc rối ngoài xã hội, là tránh các hoàn cảnh gây nên chúng. Người hay bị phỏng mỗi khi gần lửa, thì tốt nhất là tránh xa lửa. Người say sưa muốn chừa rượu thì đừng la cà quán rượu, người phóng đãng muốn chừa thói xấu thì đừng gần đàn bà nhan sắc, người có đầu óc gian ác phải chạy khỏi các bạn bè trắc nết lôi cuốn mình vào tội lỗi. Chúa Giêsu nói: "Kẻ nào yêu nguy hiểm sẽ chết vì nguy hiểm". Khi tội lỗi ở trong tầm tay thì khó mà thắng được cám dỗ. Nhưng chúng ta thắng dễ dàng, nếu cương quyết tránh xa các hoàn cảnh đưa đến cám dỗ. Môi trường có khả năng gây thuận lợi hay không. Bởi lẽ hoàn cảnh chung quanh ảnh hưởng đến chúng ta rất nhiều. Tuy nhiên chúng ta được quyền lựa chọn môi trường và có thể loại bỏ hoàn cảnh dẫn đến rắc rối. Chúa chúng ta đã phán rằng: "Nếu con mắt ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì tốt hơn hãy móc nó ra và ném xa ngươi, vì thà mất một mắt mà được vào Nước Trời, còn hơn có đủ cả hai mắt mà bị ném xuống hỏa ngục". Câu nói này có nghĩa nếu cuốn sách chúng ta đọc, nơi chốn chúng ta thăm viếng, trò chơi chúng ta tham gia gây nên hòn đá vấp phạm luân lý, thì hãy cắt đứt và ném ra xa.

Thứ ba: Hành động của lòng muốn là cốt yếu cho bất cứ thành công nào. Các bác sĩ nhất trí rằng chẳng giúp đỡ nào hữu hiệu hơn cho bệnh nhân là ý chí muốn sống. Vì vậy muốn thắng các nết xấu chúng ta phải cương quyết chống lại chúng. Chúng ta mắc phải nết xấu trước hết là vì đã đồng ý để nó xâm nhập vào tính nết chúng ta, cho đến khi trở thành các thói quen hoặc ngay cả thành vô thức, để làm chủ được chúng, cần một tiến trình ngược lại, và dùng ý chí để phá vỡ sinh hoạt tự phát của chúng. Hạnh kiểm của chúng ta không phải hệ tại những chi chúng ta biết mà hệ tại những điều chúng ta lựa chọn. Mà lựa chọn lại là việc của lòng muốn. Sau khi đứa con phung phá đã suy nghĩ lại và bỏ môi trường tội lỗi thì bước kế tiếp hắn phải làm là quyết định vững chắc "Tôi sẽ đứng dậy và trở về với cha tôi".

Thứ tư: Bước cuối cùng là phải có triết lý đúng về cuộc sống. Điều kiện này cần thiết để hoàn thành công trình trở lại. Bởi lẽ ý chí cương quyết suông không đủ để thắng các thói quen xấu. Còn cần tình yêu nữa, kẻ nghiện rượu không thể bỏ say sưa khi chưa tìm được lý tưởng cao hơn sự lôi cuốn của thần lưu linh. Người ta không thể từ bỏ sự dữ cho đến khi tìm được một sự thiện mà họ đánh giá cao hơn tội của mình. Chúa chúng ta cảnh cáo rằng nếu nhà nào dọn sạch và sắp xếp gọn gàng mà không có người ở thì bẩy quỷ trước đây sẽ trở lại, và tình trạng còn tồi tệ hơn cũ. Đây là hậu quả không tránh khỏi, khi sự dữ được xóa bỏ, nhưng không có điều tốt thay thế. Ngay trong triết lý có câu ngạn ngữ rằng Thiên Chúa gớm ghét sự trống rỗng.

Các thói quen xấu không thể xóa bỏ nguyên chỉ do lòng chê ghét chúng (bởi lẽ thực tế chúng ta không ghét nó nghiêm túc). Chúng ta phải tẩy trừ chúng bằng một nội dung tốt nào đó. Tình yêu mới nơi chúng ta phải lớn hơn tính nết cũ. Bởi vì chính bản thân chúng ta cần sửa chữa. Bất cứ cái chi dễ dãi cũng không thay thế an toàn bằng tình yêu. Một người cố gắng sửa chữa thói kiêu ngạo hoặc tham vọng xấu có thể trở nên tồi tệ trong tiến trình hơn là tội của hắn. Lúc này, chẳng tình yêu nào lớn hơn ngoại trừ tình yêu Thiên Chúa, kể cả những khát khao mà tình yêu thôi thúc thực hiện. Thánh Augustinô tóm gọn chân lý ấy khi viết: "Hãy yêu mến Thiên Chúa, rồi bạn muốn làm chi thì làm". Bởi lẽ khi bạn thực sự yêu mến Thiên Chúa, bạn chẳng thể nào làm điều chi xúc phạm đến Ngài, và bạn cũng chẳng bao giờ muốn làm hại ai nữa. Chúng ta phải có một triết lý sống lành mạnh để chiến thắng các nết xấu. Triết lý này giúp chúng ta sống xoay quanh Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta cho Ngài và Đấng nếu không có tình yêu Ngài, chúng ta buộc phải sống kiếp nô lệ buồn thảm của sự bất toàn quái ác.

Người thu thuế "hấp dẫn" nhất trong lịch sử thế giới là ông Giakêu - nếu chúng ta được phép gọi người thu thuế nào là hấp dẫn. Ông ta thấp bé đến độ phải trèo lên cây sung để xem các cuộc diễu hành. Tên Giakêu có nghĩa là tinh ròng (pure). Nhưng cuộc sống luân lý của ông ngược lại với tên ấy. Người ta gán cho ông cái tên lão "hai mươi lăm phần trăm". Bởi lẽ ông được phép rút 25% tiền thâu thuế của nhân dân. Đó là mức độ lúc bấy giờ. Còn thực tế thì ông chiếm đoạt nhiều hơn. Tuy nhiên ở cuối câu truyện, Phúc âm cho hay ông ta còn tốt hơn các thượng tế, luật sĩ và đồng bào khác.

Một ngày đặc biệt nào đó, Chúa Giêsu đi tới làng của Giakêu. Như thói quen Giakêu leo lên một cây sung để coi đám đông đi ngang qua. Những người thiếu chiều cao luôn dùng mưu mẹo để đền bù. Thời buổi chúng ta có rất ít người làm nghề thu thuế bắt chước Giakêu hạ mình bằng cách leo cây, để được nâng lên. Tuy nhiên Giakêu đã được đền bù xứng đáng. Bởi vì Chúa chúng ta nhìn thấy ông và yêu cầu ông cho nghỉ lại nhà. Xin lưu ý bất cứ khi nào Chúa Giêsu muốn ban ơn thì Ngài thường xin một ơn huệ trước đã.

Khi cửa đã đóng, đám đông bên ngoài trở nên giận dữ, không phải vì ông thu thuế bất lương mà vì Chúa Giêsu. Ngài ăn uống với kẻ tội lỗi, mang tiếng xấu, bị xã hội khinh bỉ. Việc này là một gương mù to lớn, người đạo đức không bao giờ hành động như vậy. Nhưng Chúa Giêsu lại nhìn vấn đề khác đi, Ngài coi như mình tìm thấy con chiên lạc. Sau mấy phút chuyện vãn, lương tâm ông thu thuế khởi sự thức tỉnh - bởi lẽ trước đây nó chỉ ngủ mê chứ không bao giờ chết hẳn - Giakêu đứng lên tuyên bố mình sẽ sửa chữa tất cả những thiệt hại đã làm cho người khác. Ông sẽ làm phúc nửa phần gia tài cho kẻ nghèo khó và trả lại gấp bốn lần cho những ai ông gian lận.

Đền bù là bổn phận luân lý. Xã hội văn minh ngày nay vì quá quan tâm đến tiền bạc lợi lộc cho nên hầu như sẵn sàng bỏ qua đền bù, không nhớ đến bổn phận nữa. Người ta chẳng bao giờ đền bù cho bất cứ ai bị gian lận. Thí dụ nhà tư bản trả lương quá thấp cho công nhân, chủ tịch công đoàn đổ xăng vào bình sữa chuyển đến bệnh viện trong một cuộc đình công. Công nhân TV rađio chồng chất chi phí, vì một linh kiện thay thế cho cái đã hư. Một ngày làm việc không xứng đáng với tiền công… Lúc này công bằng kể như mất dạng, công bằng mà thế giới cần đến để sống hòa bình và thịnh vượng. Lương tâm cắn rứt không đủ, hổ thẹn không đủ, che đậy bất lương bằng mặc cảm chàng Oedipus, hay sợ ông, sợ bà, sợ cha mẹ không đủ. Phải có sự hoàn lại tài sản đã bị cuớp đi cho khổ chủ. Nếu không tìm thấy khổ chủ thì số tiền phải làm phúc cho các kẻ nghèo khổ. Đền bù là phục hồi cho tha nhân nguyên trạng quyền lợi và bổn phận mà chúng ta đã lấy đi.

Lý do mà chúng ta phải đền bù vì những bất lương của mình thì quá rõ ràng. Luật tự nhiên, cũng như luật đất nước xác nhận quyền sở hữu mỗi cá nhân, trên các của cải. Nếu chúng ta ăn cắp các vật ấy đêm nay, sáng mai không đương nhiên thuộc về mình. Thời giờ qua đi không làm cho vật bất hợp pháp trở thành hợp pháp. Trong Cựu Ước luật Lêvi qui định rằng người Do thái buộc phải trả 5 con bò vì ăn cắp một con, 4 con cừu cho một con bị ăn trộm". Thời gian không hề xóa bỏ bổn phận đền bù, nếu đã ăn cắp đồ vật của hàng xóm.

Kiếm tiền một cách bất lương rồi bỏ vào ngân hàng bằng tên vợ, không hề thoát khỏi bổn phận đền bù. Bởi vì những người như vậy chẳng bao giờ làm chủ tài sản mình bóc lột kẻ khác. Hắn chẳng hề làm một dịch vụ nào trên tài sản như vậy một cách hợp pháp. Thí dụ một người bán khăn tay giả vờ bằng lụa quý, nhưng thực chất là bằng sợi hóa học. Người bán bắt buộc phải đền bù cho khách hàng. Một người buôn xe hơi cũ nói dối với khách hàng rằng xe còn trong tình trạng hoàn hảo, nhưng thực sự hắn đổ mạt cưa vào bộ số để làm cho xe chạy ngon êm được vài cây số rồi hư. Người gian dối buộc phải đền bù.

Có một câu truyện hư cấu về một người đàn ông đi xưng tội. Trong lúc kể tội hắn thó lẹ chiếc đồng hồ đeo tay của Cha xứ, rồi nói với Cha hắn đã ăn cắp chiếc đồng hồ. Cha xứ nói: "Con phải trả lại người ta". Tên trộm thưa: "Con đưa cho Cha được không?" Cha xứ nói: "Không, đưa cho chủ nó". Hối nhân thưa: "Nhưng chủ nó không lấy lại". Cha xứ trả lời: "Trong trường hợp này, con có thể giữ".

Nếu đây không phải là truyện hư cấu, thì hối nhân vẫn có trách nhiệm đền bù, không những khổ chủ mà còn Thiên Chúa nữa. Lương thiện không chỉ là chính sách, nó còn là bổn phận.